Ngày Chủ Nhật thường lệ sinh hoạt tại Trung Ương Hội Thượng, hôm ấy bầu trời trong sáng lấp lánh những vì sao, gió mát dịu hòa hợp với ánh trăng trung tuần tháng 02, ngày 11 năm Tân Hợi 1971, tạo nên bầu không khí dễ chịu làm cho tôi lâng lâng thư thái khác thường.
Sau khi cơm nước xong, tôi thả bách bộ hướng về Hội Thượng Pháp-Tạng để dự sinh hoạt thường lệ. Vừa đến nơi, quang cảnh chung quanh khiến lòng tôi phấn khởi vì Đạo-Chúng tề tựu đông đủ, mỗi Bậc đều có lòng tin ngưỡng mộ thành kính để chờ lãnh lấy Bảo-Pháp của thời Pháp chung ngày.
Đúng 20 giờ 00, tôi và tất cả đều ngồi ngay tước Chánh-Điện uy nghi, hương trầm buông tỏa, giữa tôi và anh chị em đều khởi lên niềm trang nghiêm vô tận …
Thế rồi một hồi chuông reo báo hiệu giờ khai Pháp, các Chân Phật-Tử đều đứng lên nghênh đón Đức TĂNG-CHỦ. NGÀI từ từ bước ra, anh em đạo chúng thi lễ xong đâu ngồi vào đấy.
NGÀI nói: “Hôm nay tứ-chúng cố gắng nghe và ghi chép theo hiểu biết của mình, tùy nhận xét của từng Bậc. Chính ra thời Pháp này TÔI khai-thị cho mỗi Chân Phật-Tử đều có một căn bản hiểu biết để tu”. NGÀI nói xong im lặng.
NGÀI chợt hỏi: “VÔ MINH CÓ CHE ĐƯỢC PHẬT TÁNH CHĂNG ?”
Làm cho tất cả hội trường đều suy ngẫm. Có Bậc bạch với NGÀI rằng: “CÓ”. Còn có Bậc trả lời: “KHÔNG”. Một trong hai điểm “CÓ” cùng “KHÔNG”.
NGÀI giải: “Thế nào là vô-minh che Phật-Tánh. Thế nào là vô-minh không che Phật-Tánh. Các Ông hãy nghe kỹ và nhận định câu TÔI giải đáp, đương nhiên sẽ đem đến cho các Ông khỏi lầm-lẫn. Các Ông sẽ hiểu vô-minh là gì? Sự “che” hay “không che” ra sao? Nơi lầm-lẫn của các Ông thế nào? Trong mục tiêu đem đến nơi hiểu biết thật có lợi vô kể.
NGÀI giải ví dụ: “Có một con Trăng kia tôi tiêu biểu cho Phật-Tánh đang chiếu xuống một khu rừng, khu rừng chỉ cho Tướng-Pháp vô-minh, các Ông đang ở dưới chân khu rừng nhìn xuống bóng cây có chỗ đen, trắng, phản chiếu chằng chịt lầm ngỡ bóng là thật, đâm ra sợ sệt quái-ngại, không dám bước qua những bóng ấy, chỉ tìm nơi sáng chiếu của ánh Trăng mà an trụ mong cầu. Đối với các Pháp sinh ra hoàn cảnh trở-ngại cũng thế. Hoàn cảnh không thể đến nơi ta một đời mãi mãi, nó chỉ đến bên ta một chốc lát. Nếu các Ông biết sự giả-tạo của nó thì Tâm các Ông đương nhiên tự-tại vô-ngại. Bằng chưa biết, tránh nó sợ sệt ái-ngại.
Nếu các Ông được bước ra khỏi khu rừng thì mới thật THẤY tỏ và THẬT-BIẾT khu rừng không thể che hết mặt trăng. Phật-Tánh kia nào có bị vô-minh che nổi. Các Ông nghĩ sao? ”
Lúc bấy giờ chúng tôi đều thức tỉnh, chẳng khác mấy kẻ ở nơi khu rừng được đem ra để nhìn tận mắt, nghe tại chỗ, mới biết rằng vô-minh không che Phật-Tánh. Mà trái lại, chưa biết nên lầm nhận lấy mà có vô-minh. Trăm chuyện ngàn cảnh Thuận-Nghịch đều do lầm nhận. Chính lầm mà tạo thành vạn cảnh rồi thọ-nhiếp vạn cảnh là của mình nên rơi vào sinh-tử, tử-sanh.
NGÀI lại hỏi tiếp: “ Nếu có Bậc Đã-Biết, nhưng vì muốn dẫn những người bị lầm chạy bắt bóng trong rừng ra, thì Bậc ấy có bị nhiễm hay không? ”. Một số Phật tử thưa: “Kính bạch NGÀI: Không.”
NGÀI nói: “Đồng cảnh nhưng không nhiễm vì THẬT-BIẾT nó là BÓNG.
Khi ra về tôi còn nhớ thời pháp nó thuyên diễn trước mắt, tôi nghe phảng phất tiếng trang-nghiêm nghị-quyết của NGÀI làm cho tôi nhẹ nhàng vì được biết vô-minh không có, bởi lầm nhận mà thành, làm cho tôi chẳng còn gì ngăn-ngại, được Cổi-Giải tâm vậy./.
(Trích Đặc-San “ÁNH VÀNG”, phát hành ngày mồng 8 tháng 4 năm Nhâm Tý 1972)