call
Đường vào cửa PHẬT

ĐƯỜNG VÀO CỬA PHẬT

Cứ mỗi tối chủ-nhật, tôi thường đi ngang qua nhà số 42 đường Hồng-Bàng, thấy nơi đây nhiều người ra vô đông-đảo, nhìn kỹ thì hình như họ có vẻ vui mừng, sung-sướng lắm! Điều này làm tôi thắc mắc nên tò mò định tìm hiểu.

Vào một tối chủ-nhật nọ, khoảng 20 giờ, tôi đến đó với ý-định tìm gặp một vài người trong số những người thường về đây để hỏi xem.

Thấy một vị trạc trung-niên, từ bên trong đi ra, tôi vội-vàng chạy lại hỏi:

- Thưa ông, sao nơi đây cứ vào giờ này chủ-nhật lại có đông người tập trung để làm gì hả ông?

Vị ấy đáp:

- Vậy cậu chưa biết à ! Đây là Trung-Ương của Hội PHÁP-TẠNG PHẬT-GIÁO VIỆT-NAM, một Hội tu Phật-Giáo. Chúng tôi về đây mỗi tối chủ-nhật để lãnh giáo những thời pháp tối diệu do Thầy chúng tôi là Đức TĂNG-CHỦ khai thị.

- À ra vậy ! Nhưng thưa ông, Pháp tối diệu mà ông vừa nói đó nghĩa là sao ? Cảm phiền ông giải thích giùm cho tôi hiểu với.

- Theo tôi hiểu, tối-diệu nghĩa là những việc gì hồi giờ mình chưa từng nghe, thấy hoặc biết mà nay mình may mắn được có BẬC nói cho nghe, chỉ cho thấy, và thực hành để biết. Ngoài ra còn những điều tuyệt mỹ nữa mà chỉ người trong cuộc mới nhận được. Bởi vậy tôi tạm dùng hai chưa tối-diệu để nói lên những ý-nghĩa đó thôi.

Tôi nghe lời nói đó hay hay nên tò-mò hỏi thêm:

- Thưa ông, vậy chớ ở đây tu thì tu bằng cách nào ông nhỉ ?

- Cậu thử nghĩ coi, người ta sinh ra ở đời nào ai thoát được cái chất: sinh, lão, bệnh, tử quay cuồng hết kiếp này đến kiếp khác, khổ lắm ! Muốn thoát cái khổ ấy phải cần giải-thoát nên Pháp-Môn này gọi là Tri-Kiến Giải-Thoát. Để đến mục-tiêu đó, người tu cần phải sửa tánh cậu ạ. Chính cái tánh hư tật xấu của mình lôi kéo làm cho mình khổ, khổ sướng cũng chỉ tại mình. ở đây THẦY chúng tôi khai-thị và chỉ cho chúng tôi từng li từng tí những cái tánh của mình để sửa theo con đường tự-tánh tỏ-tánh. Có thế mình mới biết thực hành và đến mục tiêu theo sở-nguyện.

Thấy hỏi như vậy cũng hơi nhiều, tôi cảm ơn ông ta rồi quay đi với một niềm thổn thức về mình.

Đêm đó về nhà, tôi không sao ngủ được. Những lời nói của vị nọ hình như như cứ văng vẳng bên tai tôi… nào ai thoát được cái chết…

Sinh-Lão-Bệnh-Tử khổ lắm... Cần giải-thoát… Khổ, sướng cũng tại mình…. Tánh… Sửa tánh… Bao ý nghĩ quay cuồng trong đầu óc. Rồi mường tượng lại những cử chỉ… dáng điệu và giọng nói của người kia sao mà dễ mến quá: Nhã nhặn và khiêm tốn làm cho tôi cảm thấy mát lòng, dù mới chỉ tiếp xúc một lần.

Những hình ảnh ấy, những lời nói ấy làm tôi thao-thức trăn-trở, suy nghĩ mãi, kéo tôi về với những ngày qua.

Tôi, một thằng con trai gan lì, thích sống có nhiều tiền và vật-chất đầy-đủ bằng bất-cứ phương tiện gì. Vì tôi cho rằng: chỉ có tiền là làm chủ được lòng người, sai khiến được họ, hành hạ họ được và thỏa mãn mọi ý muốn của mình. Cho nên khi nghe nói đến tiền là mắt tôi sáng lên. Nếu có thể kiếm được nhiều tiền thì dù khó-khăn, nhục-nhã tôi cũng bất cần. Vì vậy tôi chấp nhận cuộc sống dao búa và đạo-tặc, dẫu biết rằng nhiều nguy hiểm…

Có những đêm tôi rình rập, lén lút vào nhà người ta để “đánh cắp” đồ đạc hay cạy tủ lấy tiền. Nhiều lần được khá tiền, tôi hãnh-diện, ăn chơi phè-phởn. Nhưng đôi lần sa lưới phải đi “nằm ấp”. Thế là mọi người hàng xóm biết rõ tôi. Họ nhìn tôi với cặp mắt e-dè đề-phòng tôi như đề-phòng một thứ bệnh truyền nhiễm nan y, hay một con thú dữ. Từ đó tôi sinh ra hận đời. Càng hận đời tôi càng làm nhiều điều bất-lương khác. Nhưng lúc này tôi thấy khổ vì mỗi lần đi “ăn hàng” ban đêm, tôi hồi-hộp và nghĩ rằng những lưới rập có thể sập tôi bất cứ lúc nào, cảnh tù đày mở sẵn chờ tôi. Dù việc làm tôi có trót lọt, suôn-sẻ thì tôi cũng lo-âu. Một tiếng chó sủa ngoài ngõ cũng đủ làm tôi giật mình. Một bước chân lạ ngoài thềm cũng làm cho tôi ái ngại. Ngày cũng như đêm, tôi sống trong hồi-hộp và sợ-sệt với tất-cả nỗi cô đơn trong sự khinh-bỉ của mọi người xung-quanh. Thế thì khổ thật.

Phải rồi, khổ-sướng cũng chỉ tại mình, do tánh của mình mà ra vậy. Rồi nghĩ đến những lời nói của người kia: Muốn hết khổ phải cần giải-thoát, phải tu, phải sửa tánh…

Tu, ý nghĩ này đánh mạnh vào tâm hồn làm cho tôi bừng tỉnh, ngao-ngán những việc làm từ trước của mình. Tu, có Tu mới may ra sướng được, mới gột sạch những việc làm không hay đó… Thế là tôi quyết-định Tu. Rất tiếc là quyết-định này đến với tôi muộn quá, nhưng nghĩ lại dù muộn mà mình có Tu còn hơn suốt đời không Tu thì còn khổ và uổng phí kiếp người hơn nữa.

Ý niệm Tu dào-dạt trong lòng làm tôi cảm thấy sung-sướng và vơi đi ít nhiều âu lo hằng ngày. Nó vỗ-về tôi an giấc lúc nào không hay.

Ba hôm sau tôi được nhập Đạo vào Pháp-Tạng Phật-Giáo Việt-Nam. Tối hôm đó tôi về Trung-Ương Hội-Thượng rất sớm. Anh em Tín đồ trong Hội xúm thăm hỏi tôi thật nhiệt tình và vui-vẻ. Họ coi tôi như người em trong gia-đình, đối đãi rất thân-mật, giúp tôi mất đi vẻ ngỡ-ngàng của buổi ban đầu. Người này thì chỉ tôi cách thức làm lễ nhập Đạo, người kia vẽ tôi cách làm lễ… Ôi! Tình Đạo thật là đẹp và bao-la quá! Những ngày qua tôi chưa bao giờ được vui một lần nào như vậy, cũng như chưa ai đối xử với tôi thân-mật dường ấy ngoài ba mẹ và các em tôi.

Giờ hành lễ nhập Đạo của tôi đã đến trước sự chứng minh của ĐỨC TĂNG-CHỦ.

Trước Chánh-điện khói hương ngào-ngạt, hoa, đèn trang-nghiêm đồng với anh em Tín-đồ, tôi kính cẩn chấp tay lạy PHẬT. Đầu cuối xuống với niềm tin sung-sướng dâng lên cao ngút tâm-hồn./.

Pháp Tạng Phật Giáo Việt Nam
Bút danh: Di Vỹ (Pháp Danh: Pháp Vỹ)
(Trích Đặc-San “ÁNH VÀNG”, phát hành ngày mồng 8 tháng 4 năm Nhâm Tý 1972)

 

Đối tác & Nhà tài trợ


TẠNG BẢO HỘI THƯỢNG
  • Rừng A Đề
  • Thôn: Vạn Thuận
  • Xã: Ninh Ích
  • Thị xã: Ninh Hòa
  • Tỉnh: Khánh Hòa
  • Điện thoại: (+84) 0394 960 870
  • Email: info.ptpgvn@gmail.com
PHÁP BẢO BÌNH TRIỆU
  • Số: 56/36/6
  • Đường: Số 4, Khu phố 2
  • Phường: Hiệp Bình Chánh
  • Quận: Thủ Đức
  • Thành Phố: Hồ Chí Minh
  • Điện thoại: (+84) 0907 844 619
PHÁP BẢO THANH KHÊ
  • Số: K718/51B
  • Đường: Trần Cao Vân
  • Phường: Xuân Hà
  • Quận: Thanh Khê
  • Thành Phố: Đà Nẵng
  • Điện thoại: (+84) 0917 284 767