Con đường tu Pháp Tạng chủ yếu là tu TỰ TÁNH TỎ TÁNH mục tiêu TRI KIẾN GIẢI THOÁT , Vậy ta thử phân tách cái gì là Tri , cái gì là Kiến, thế nào để Giải và Thoát là thoát cái gì...
Tất cả các bài Pháp giáo ngôn Kinh sách Đức Ngài chỉ dạy rất nhiều, rất đầy đủ, gần như hầu hết, Ngài cũng có nói ít nhiều trong từng bài Pháp từng thời Pháp đều có bóng dáng của sự tu SỬA TÁNH , vì sao như vậy? Vì không đi con đường này, rất khó mà thấy TÁNH ( Kiến Tánh) có đem ra mà SỬA , kiểm ra mới thấy , mà tu là tu cho mình nên chủ yếu là thấy được Tánh của mình , còn việc nhìn thấy Tánh người khác thì quá dễ, qua nghe một câu nói, nhìn qua một cử chỉ, nhận qua một hành động của một người nào đó thì cũng biết họ đang trụ ở một Chủng Tánh gì đó tương ứng , từ Tánh đó mới phô diễn thành các Pháp diễn hành từ thanh, thô, tế, nhị, ví dụ người ưu thích nhậu nhẹt, khi họ bày tỏ chỗ ưa thích mình liền biết họ đang trụ ở Ngạ quỷ, Tánh thích ăn nhậu, hoặc khi nói đến chỗ trai gái sắc dục mà thích muốn thì ngay lúc đó chính họ đang trụ Pháp Súc sanh, hoặc giả người đó hay bảo thủ cá Tánh cho mình là hay nhất thì liền biết họ đang ở Chủng Tánh nào và sẽ kiến tạo cảnh giới nào để an trụ, từ Tánh hạnh thanh cao thuộc về thiên Pháp, từ Tánh gìn giữ nhân nghĩa lễ trí tín thì biết họ đang ở nơi nhân giới … khi nổi giận đó là hiện tướng Tánh của A-Tu-La , khi ganh ghét, thù hận, giận dữ là đã hiện tướng của Địa ngục ….mỗi một tướng hạnh nó tiêu biểu cho các Tánh , như vậy muốn thấy Tánh thì cần nhìn vào tướng để thấy, đó là bậc mới quen tập SỬA Tánh . Tuy nói đơn giản là như vậy nhưng khi một ai đó châm chọc nói xóc mình , thì mình liền biết họ đang ở Chủng Tánh đó , một khi mình biết họ thì nên vội liên tưởng đến mình, liệu rằng mình có Chủng Tánh đó hay không nhỉ ? Nếu vội nói rằng “Ta không có Tánh xấu như nó”, thì nên suy nghĩ lại, tất cả chúng sanh đều bình đẳng ở chỗ mỗi mỗi đều có các Tánh như nhau hết, nhưng vì ở ta, nó chưa bộc lộ hoặc giả nó không bộc lộ do mình biết kềm chế nó, biết điều dụng nó, không để cho nó toát ra, hoặc giả Ta cùng đã từng làm như vậy nay không làm nữa… Do đó mới có chỗ “Điều Ngự Trượng Phu” , đó như vậy đó, Nếu không tu Sửa Tánh thì không thấy Tánh, Tánh thì mỗi chúng sanh đều có như nhau, nếu không SỬA mà cứ để nó bộc lộ phát tác sẽ sanh Pháp, sanh Pháp thì có tốt có xấu, có được có mất , có lợi cho người này có hại cho người khác, có kẻ vui có người buồn , các Pháp cứ mãi diễn trôi theo dòng đời, trôi giạt theo sanh diệt mà không bao giờ dứt, muốn Thoát vòng sanh tử luân hồi quá khó, nếu không theo một công thức một đường lối rõ rệt thì rất khó. Tuy nhiên nếu ta quyết tâm tu quyết lòng cố gắng thực hiện thì cũng không phải là không được. Giải là ở chỗ hiểu và biết mới Giải , Thoát là làm sao để ra khỏi cái vòng quay luân hồi muôn triệu lần mình đã bị diệt sanh sanh diệt theo vòng tuần hoàn của vạn Pháp.
Nói về Cái Tánh nó quan trọng lắm , nó dẫn dắt mình vào trong chốn mê lầm , đưa mình vào chỗ đam mê của sanh diệt, chẳng khác nào kẻ ưa thích bài bạc thì đam mê nơi chốn đỏ đen tài xỉu, như người ưa thích rượu bia, cứ chiều chiều đến giờ thì nhớ đến những người bạn đang chờ mình thế là đi rủ ren hô hào vô vô …. nó lôi cuốn lắm , ở mỗi nhóm Chủng Tánh nó có một cách lôi cuốn khác nhau nhưng nói chung là hấp dẫn vì nó ĐÃ TẬP NHIỂM từ lâu đời muôn triệu kiếp rồi.
Cho nên Đức NGÀI có nói : “Pháp môn của Di-Lạc là đi trong Sắc, Thinh, Hương, Vị mà KHÔNG NHIỄM để Giải Thoát” , thì mình hãy làm sao để cho đừng BỊ NHIỄM các Tánh, đừng bị LẦM các Tánh, mà phải Tri nó, phải Kiến nó, Giải Thoát sự kéo lôi của các Tánh.
Các Chủng Tánh kia mà mình thấy được nó, kềm chế nó, sàn lọc từ thể hiện thô, đến thể hiện thanh, đến lúc vi tế mình đều thấy được nó, cũng như Tôn Ngộ Không thu phục các Yêu Quái làm cho nó hiện nguyên hình, Tôn Ngộ Không cũng mình mà Yêu Quái cũng của mình chớ ai đâu xa lạ. Thâu phục xong rồi thì trả nó về nơi chốn của nó, nào phải tiêu diệt đâu, Mình làm chủ được các Chủng Tánh chúng sanh của mình, điều động sử dụng nó thuần nhuyển thì mới KIẾN TÁNH, mới MINH TÂM.
Đức Ngài có nói : “Chưa Tỏ Tánh đừng hòng Minh Tâm” , chưa tỏ nó làm sao mà Giải nó, mà chưa Giải thì làm sao Thoát .
Có thể đây là một đề tài rất cũ, rất xưa, nghe nhiều sanh buồn chán, tuy nhiên nếu ta đào sâu hơn nữa, đi vào tận cùng, tận tận nó (Hành Thâm => Làm cho thật sâu) thì cũng chính là bước đường vào Cửa Phật, mới diện kiến Phật Tánh, hiện thể tướng Phật, Phật không trụ tướng nào nhưng mọi việc Phật Sự chính là Tướng Phật. Tướng Phật ở chỗ thể hiện việc làm mà có danh xưng Tướng Phật, việc làm là Tu theo con đường tự Tánh Tỏ Tánh, nó quyết định đi đến bờ Giải Thoát, bằng chẳng tu SỬA, chẳng biết Tánh người, Tánh mình, làm sao Minh Tâm Kiến Tánh để Thành Phật để thoát khỏi trần lao sanh tử.
Chính vì lầm nơi các Tánh mà bị sanh tử , bị đầu thai làm các con vật , bị an trú vào các cảnh, các cõi, bị quy chế của Pháp giới, bị trị bởi các quy luật sanh tử luân hồi, Tánh nó dẫn về nơi đó chớ đâu nữa.
Tôn Chỉ Mục Đích Pháp Tạng là: “Đạo Đức, Giáo Lý và Thiền Tọa”. Tại sao con đường tu Pháp Tạng điều cơ bản đầu tiên là Sửa Tánh, trên đây mới nói về các nơi chốn hiện hữu thế gian để thấy Tánh nó dẫn chuyện đi như thế nào, nguy hiểm ra sao ? Quả báo thụ báo tùy thuộc các Tánh hạnh của mỗi con người . Tại sao nó là điều cơ bản đầu tiên vì nếu chưa chịu tu SỬA Tánh hạnh thì khó mà bước vào tu Pháp môn Thiền Định , vì Vào Pháp môn Thiền Định thì các Tánh nó diễn hóa gấp hàng trăm lần khi ở ngoài đời. Tu thiền mà vẫn giữ cố tật, khi các Tánh nó phát tác sẽ to lớn nguy hại hơn nhiều lắm, ví dụ người có Tánh nóng không làm chủ được, thi công phu thiền định , cái nóng nảy tức giận nó đi vào Thiền thì Quí Vị cũng biết nó nguy đến chừng nào và sẽ an trú vào cảnh giới Thiền nào , mà đã an trú vào cảnh giới trong Thiền thì muôn trùng hóa hiện, hóa ra đủ thứ, đắc quả thành Phật, thành Thánh, Tiên, nào là tiền kiếp, hậu lai mình là Vị này Bậc nọ, tung hô Danh hiệu to tát … Đi vào THỌ GIẢ TƯỚNG mà không hề hay biết , Mọi diễn biến về Thiền, Ngài cũng đã chỉ dạy trong quyển Kinh “NHƯ LAI THIỀN” cùng trong các bài thi thơ về THIỀN Ngài cũng đã dạy, mời Quý Vị tìm hiểu thêm trong Kinh Sách của Ngài . Trong Kinh Lăng Nghiêm thời Đức Bổn Sư cũng có nói : “…Bậc tu thiền mà chẳng lìa bỏ Sát Đạo Dâm chẳng khác nào lấy đá mà nấu thành cơm…”
Trong bài thơ “Tiêu Diệt Tánh Ma” của Đức Ngài ban cho tất cả các bậc Tu phải học thuộc lòng nhớ ghi trong tâm mình :
TIÊU DIỆT TÁNH MA
(Bài học thuộc lòng)
Người ơi ! Tiêu diệt Tánh Ma ,
Chính dùng phương tiện giúp ta tu hành.
Ma Phiền-Não thâm hiểm khôn lanh,
Khiến tâm sân-hận tranh giành tư riêng.
Được mừng , mất lại sanh phiền,
Ham danh, dục lợi, nợ duyên bộn bề .
Nghiệp Ma đeo đuổi cận kề,
Theo Ma phải chịu đem về cõi Ma .
Tu lầm , đường Đạo cách xa ,
Ta không sớm bỏ hóa ra tu mù .
Miệng hằng Niệm Phật chân tu ,
Tánh Ma tận diệt trọn cười Tam–Thiên .
Dòng Ma khôn khéo vẹn tuyền ,
Tới lui bén gót, thay phiên ngăn đường .
Tận cùng tu gặp Ma-Vương,
Xa gần tỉ-mỉ , mối dường rõ thông .
Xuôi ta xem Phật nhẹ không .
Tự xưng Thánh-Sống, thần-thông phép tài .
Lỡ-lầm thọ-báo đâu sai ,
A-Tỳ Vô-Gián chịu hoài triền miên .
Khuyên ai tu khéo tròn duyên,
Tánh Ma tận diệt là nguyền Độ-Sinh .
Tứ-Nhiếp Đồng-Sự kiên-trinh ,
Lục-Ba-La-Mật nương mình Như-Lai .
Rõ ràng PHÁP-TẠNG KHÔNG HAI .
PHẬT-MA hòa Một , cửu đài quang minh ./.
TỊNH VƯƠNG NHẤT TÔN
(Ngày 25/3/1966 Bính Ngọ)
Tu là phải SỬA đổi các Tánh của mình, các Tánh xấu thì gọi là Ma Tánh mà Ngài đã chỉ trong bài thơ trên, nó ẩn hiện đâu đó trong thân tâm ta , chỉ chờ có cơ hội, có kích hoạt, có tác động vào bản ngã của ta thì nó liền bộc phát mạnh yếu, nặng nhẹ tùy người tùy lúc mà diễn tuồng thành ra kình cãi, chống bán nhau, hiềm khích , thương yêu ghét hận đủ thứ … Những thứ đó nó kéo lôi ta mãi trong con đường sanh tử luân hồi, vay trả trả vay luân phiên không bao giờ dứt, hết kiếp này sang kiếp kia lên lên xuống xuống đủ trò chìm nổi, thật ê ẩm chán chường cuộc sanh tử này, Tu là để làm sao giải quyết những thứ đó . Đức Phật là bậc đã Giải được nó nên mới gọi là GIẢI THOÁT còn mình thì bị trói dù không muốn cũng phải bị như vậy , vì đã trót lỡ mê lầm nhiều đời nhiều kiếp, nay muốn ra khỏi thì phải tu con đường cầu TRI KIẾN GIẢI THOÁT .
Cho nên muốn tu theo Pháp Tạng cần phải tu Sửa Tánh là vậy.
Pháp Tạng Phật Giáo Việt Nam
(Bài nói của ôngTạng Nguyên 09/3/2019 Kỷ Hợi)
(Trong bài nói này, tôi có bỏ ngỏ một số thiếu sót, mong Quý Vị tìm ra để hoàn chỉnh - trao đổi góp ý trực tiếp , không tự luận bàn khen chê trách móc sai đúng mà bị vướng vào ma Tánh biến diễn) |