call
Từ thần-thông đến siêu hình

TỪ THẦN-THÔNG ĐẾN SIÊU HÌNH
(Tham Luận Đạo Phật)

Con người nhỏ bé và bất lực trước vũ-trụ, tự-nhiên nghĩ đến thần-thông, con người nhàm chán thực tại thường miên-man cảnh giới siêu hình. Đó là những điểm gút mắc miên-man trong giấc mộng dài:

- Tại sao ĐỨC PHẬT không dạy đệ tử dùng THẦN THÔNG để độ sinh ?

- Tại sao ĐỨC PHẬT không chịu giải nói những giới cảnh siêu-hình cho đệ tử ham thích?

Thực vậy, hồi ĐỨC PHẬT THÍCH-CA MÂU-NI còn tại thế ở rừng BA-BÀ-LỢI thuộc thành NA-LAN-ĐÀ cùng với đại-chúng và tỳ kheo 1250 người đầy-đủ.

Bấy giờ có một vị Trưởng giả tên là Kiên-Cố đi đến chỗ PHẬT đảnh lễ rồi đâu đấy ngồi lại một bên và bạch rằng: “ Trọn lành thay, ĐỨC THẾ TÔN, trông mong Ngài dạy cho các vị tỳ-kheo từ nay nếu gặp các Bà-La-Môn, Trưởng giả, cư-sĩ đến thì nên hiện thần-thông để tỏ bày diệu-pháp của bậc thượng-nhân. PHẬT dạy: “ Này Kiên-Cố, TA không bao giờ dạy các tỳ kheo vì các Bà-La-Môn, Trưởng giả, Cư-Sĩ hiện phép thần-thông, nhưng TA chỉ dạy các đệ-tử ỏ chỗ tịnh-mặc, lặng-lẽ gẫm đạo, nếu có công-đức hãy tự che dấu, nếu tội-lỗi hãy tự phát-lộ sám-hối”.

Trưởng giả Kiến-Cố lại bạch PHẬT một lần nữa. PHẬT cũng trả lời như trên. Trưởng giả bạch PHẬT nữa: ”Riêng tôi đối với PHẬT không có gì hoài nghi nhưng ở thành NA-LAN-ĐÀ này ruộng đất giàu có, nhân dân đông đúc, nếu ở tại đây hiện có thần-thông thì chắc có lợi ích, PHẬT và đại chúng dễ bề hóa độ.

PHẬT dạy: “TA không bao giờ dạy các tỳ-kheo hiện thần-thông, nhưng TA chỉ dạy các đệ tử ở chỗ tịnh-mặc, lặng-lẽ gẫm đạo, nếu có công-đức hãy tự che dấu, nếu tội-lỗi hãy tự phát-lộ sám-hối”.

Đọc qua đoạn Kinh trên ta thấy lạ thật, ba lần trưởng giả Kiên-Cố thiết-tha bạch PHẬT dùng phép thần-thông để độ-sinh, nhưng PHẬT vẫn từ chối trước sau một lời không có hai kiến.

Tại sao vậy ?

- ĐỨC PHẬT luôn dạy cái Chơn chớ không bao giờ cho cái Giả, dạy chúng ta thể nhập cái thường còn, bất-diệt chớ không hề dạy chúng ta chạy theo lẽ vô-thường, sinh-tử.

Dụ như cách dạy làm bánh.

- Vị Thầy thứ nhất chỉ dẫn học trò đi xem cái đẹp cái ngon, các hình tướng thanh-thô tế-nhị của mình làm ra cho đệ tử ham thích.

- Vị Thầy thứ nhì chỉ bày tỉ mỉ cho đệ tử mình cách hòa nước với bột, cách vô-đường, cách-nhồi cách-nén thành muôn vạn hình tướng loại bánh, tùy theo ý thích mình trở thành ngon dở xấu đẹp.

Vị Thầy thứ nhất dụ như người dùng phép thần-thông để độ-sinh. Người đệ tử ham mê chiếc bánh mà chẳng làm nên chiếc bánh. Chúng sanh sống trong mê loạn sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp; nay gieo vào trong tâm trí họ các phép thần-thông chẳng khác chi lửa đang cháy ta đổ thêm dầu. Dạy phép thần- thông, lửa tham, sân, si càng thêm cao vút.

Vị Thầy thứ nhì thiệt là Chơn-Sư, dụ như PHẬT. Thầy không nói bánh ngon mà được vị bánh ngon. Thầy không ca ngợi bánh đẹp mà được bánh đẹp. ĐỨC PHẬT cũng vậy, Ngài không dạy thần-thông mà khuyên đệ tử hãy lặng-lẽ gẫm đạo, tự mình sửa lấy mình những thói hư tật xấu.

Lời lẽ Ngài trước sau như một không hai kiến.

Tuy nhiên vì chúng-sanh bệnh mà Ngài thuyết-pháp, sau đó Ngài kín đáo dạy Trưởng giả Kiên-Cố:

- Này ông Trưởng giả, thần-túc-thông là thế nào ? Là nếu các tỳ kheo tập-luyện theo pháp thần-túc vô-lượng thì có thể từ một thân biến ra vô-số thân, vô-số thân hợp lại một thân; hoặc đi xa đi gần, trên núi dưới biển, xuyên qua đá vách, đều tự tại vô ngại, không khác gì như đi giữa hư không; hoặc ngồi kiết già giữa hư không cũng như chim bay; ra cõi đất cũng như ra vào trong nước; đi trên mặt nước cũng như đi trên đất liền; hoặc thân tuôn khói lửa như đám cháy lớn; hoặc lấy tay rờ mặt trời, mặt trăng; hoặc đứng cao tới Trời Phạm-Thiên”. Nếu khi đó có cư sĩ thân-tín nào trông thấy, đem học lại với cư sĩ chưa tin rằng: “Tôi thấy vị tỳ kheo kia hiện vô-lượng thần-thông đứng lên thấu Trời Phạm-Thiên”. Người chưa tin đó lại nói: ”Tôi nghe phép thần chú Cù-La của ngoại-đạo cũng có thể hiện vô-lượng thần biến hoặc đứng lên thấu Phạm Thiên như thế.

- Này Trưởng giả Kiên-Cố, kẻ chưa tin kia nói như thế há không phải hủy-báng TA ư ? Kiên-Cố đáp: ”Đó thật là lời hủy-báng”.

- Này Kiên-Cố: “ Vì cớ gì đó TA không dạy các tỳ kheo hiện thần-thông biến-hóa. TA chỉ dạy đệ tử ở chỗ nhàn-tịch lặng-lẽ gẫm Đạo, nếu có công-đức hãy tự che dấu, nếu có tội lỗi hãy tự phát-lộ, chính đó là các tỳ kheo của TA đã hiện thần-thông vậy.”

Đây là lời giải đáp viên-mãn của ĐỨC PHẬT vì công-đức Ngài đã viên-mãn, lời giải đáp như không giải đáp, giọng từ-tốn khiêm nhường khiến đệ tử nghe mà không khởi ý tham, sân, si phát tâm vô-thượng.

Đọc đoạn Kinh này ta thấy lạ một điều: Tại sao khi đệ tử PHẬT dùng thần-thông, người sơ-tâm nhìn thấy sánh cùng ngoại đạo cũng có pháp-lực như vậy, thì PHẬT bảo rằng: “Hủy báng TA ư”. Vì khi tu-hành, ngoại đạo cũng có đủ pháp-lực ngũ-thông như: Thiên-nhĩ-thông nghe rất xa, thiên-nhãn-thông thấy ngàn dặm, thần-túc-thông biến hóa vô-lượng, tha-tâm-thông hiểu biết ý người, túc-mạng-thông biết rõ số kiếp người. Duy chỉ có PHẬT mới biết rõ lậu-tận-thông hiểu rõ căn-cơ nghiệp lậu từng chúng sanh. Vì lẽ đó NGÀI cấm tuyệt đệ tử không được dùng thần-thông mà chỉ bày cặn-kẽ như hãy lặng-lẽ gẫm Đạo, bảo-trì công-đức Như-Lai, tự mình tu sửa những nết hư tật xấu, đó là tỳ kheo TA đã hiện thần-thông. Nghe qua thì thật là dễ nhưng sự thật tánh hư tật xấu mới khó tự sửa được. Dụ như những nhà bác học uyên-thâm chế được máy móc tinh-vi, khám phá được những siêu vi khuẩn xuyên kính, nhưng tự mình không biết được những tánh hư tật xấu như: tham lam, hờn giận. Hoặc giả những nhà phi hành gia điều khiển được một phi thuyền vĩ đại vượt qua thấu cung trăng nhưng nơi mình họ không ngự trị được tánh tự cao và không bước qua khỏi tự ngã. Tuy thật gần mà xa xăm muôn dặm, xa như vì sao đêm đêm ta hằng thấy, gần như lông mi trên mắt. Nếu có Bậc chỉ bày, kẻ đi tìm PHẬT PHÁP gần với ta như lông nheo. Còn thiếu Bậc chỉ bày PHẬT PHÁP xa vời như chúng ta đang khám phá các vì sao đêm.

Vả lại một điều nữa, tại sao ĐỨC PHẬT không trực-tiếp chỉ bày những câu thần-chú để đệ tử NGÀI đặng ngũ-thông tự-vệ, truyền giáo mà NGÀI chỉ lặng-lẽ chỉ bày đệ tử tự tánh sửa tánh.

Đây là con đường chơn thật duy-nhất, một môn thuốc diệu mầu nhất, hữu-hiệu nhất giải quyết cơn bệnh trần lao: sinh, tử, bệnh, lão. VẠN-PHÁP DUY TÂM TẠO. Dụ như: Một cái chai đã dơ-bẩn dù có đổ nước Cam-Lồ vào, nước trong chai vẫn dơ-bẩn. Cũng vậy, tâm của chúng sanh dơ-bẩn như bình dù có tu luyện đặng ngũ-thông của ngoại đạo, cuối cùng khi số mạng lâm chung, sinh-tử vẫn … hoàn sinh-tử.

NGÀI là VỊ ĐẠI LƯƠNG-Y, THIÊN-NHƠN-SƯ, ĐIỀU-NGỰ TRƯỢNG PHU, VÔ-THƯỢNG-SĨ …Tròn đầy công đức mười danh-hiệu, một đấng cha lành tấm lòng rộng rãi bao la, nên trước sau NGÀI chỉ có một trí chơn-thật là đưa chúng sanh rốt-ráo tri-kiến giải-thoát.

Lại chân-lý siêu-hình cũng ít khi NGÀI trực tiếp đề cập đến như: Vấn đề sáng tạo vũ trụ và con người, đời sống linh hồn sau khi chết, hoặc bản chất giải-thoát và niết bàn, hoặc sự sinh hoạt các cảnh trời Tứ-Thiên-Vương, cung trời Đao-Lợi, trời Diệm-Ma, cung trời Đâu-Suất, Hóa-Tự-Tại, Tha-Hóa-Tự-Tại, Phạm-Ca-Di Phạm-Thiên và Đại-Phạm Thiên-Vương.

Hồi ĐỨC PHẬT còn tại thế, vị tỳ-kheo Malunkyaputta sau nhiều đêm thắc mắc và do-dự, một hôm Ông mạnh dạn tiến đến gần PHẬT đảnh lễ xong đâu đấy, ngồi xuống chấp tay bạch rằng:

- Bạch ĐỨC THẾ TÔN, có điều NGÀI còn bỏ qua mà chưa hề giảng dạy, chẳng hạn như: Thế-gian này vĩnh-cửu hay vô-thường, hữu-hạn hay là vô hạn, linh hồn và xác thân đồng nhất hay dị biệt, BẬC GIÁC-NGỘ sau khi chết còn tồn tại hay không tồn tại? Thái độ lặng thinh của Ngài khiến cho lòng con không được thỏa mãn, nay xin Ngài dạy về những điều ấy, nếu không thì con xin bỏ Đạo trở về cuộc đời thế-tục. BẬC CHÂN-SƯ là người thẳng-thắn nói ra điều gì mình biết và xác nhận điều gì mình chưa biết. Vậy xin Ngài cứ thẳng-thắn nói ra cho con nghe.

Khi ấy PHẬT trả lời: “Này Malunkyaputta ! Trước kia có khi nào TA nói rằng nếu ông theo TA, TA sẽ giảng dạy cho ông những điều kiến thức siêu hình hay không ?

- Bạch ĐỨC THẾ TÔN ! Không khi nào vậy.

- Hoặc giả trước kia có khi nào ông nói với TA rằng: ”Chỉ sẵn-sàng theo TA nếu TA giảng dạy cho ông những kiến thức siêu hình hay không ?

- Bạch ĐỨC THẾ TÔN ! Không khi nào vậy.

- Như thế ông còn phiền trách gì nữa …

- Ông nên biết rằng người nào muốn tìm hiểu mọi lẽ huyền-vi của nhân-sinh và vũ-trụ, người đó sẽ chết mất trước khi nghe TA dạy. Dụ như người kia bị bắn trúng mũi tên độc, nhưng thay vì người ta rút mũi tên ra và băng bó vết thương, lại đòi rằng phải cho y biết hình dáng, tên tuổi, xuất-xứ, loại thuốc độc gì, ai bắn, tại sao bắn y của kẻ sát nhân rồi mới chịu để cứu chữa. Này ông Malunkyaputta , người đó chắc-chắn sẽ chết trước khi nghe lời giải đáp.

Này Malunkyaputta, sở dĩ TA không dạy cho ông những kiến thức siêu hình vì những điều ấy không có ích lợi cho sự giải-thoát, sanh, lão, bệnh, tử.

Qua đoạn Kinh trên ta thấy ĐỨC PHẬT tuyệt nhiên không kiến giải cho đệ tử những pháp siêu-hình. Tại sao vậy ?

Một ngày trong đời, nhân-duyên được NGÀI TĂNG-CHỦ NHẤT TÔN TỊNH-VƯƠNG khai thị: “Đồng-nghiệp thì thực, biệt-nghiệp thì vô”. Tôi liền cảm nhận được pháp Thực-tướng vô-tướng, Tam-muội pháp môn. Té ra đồng nghiệp người với người, vật với vật mới thấy biết lẫn nhau mới là cảnh thật. Còn biệt-nghiệp, cũng người với người, vật với vật chẳng đồng nên không thấy biết lẫn nhau. Vì vậy lắm người thấy ma mà lắm kẻ chẳng thấy. Cũng như trong cuộc sống con người hiện-hữu lắm người xuất hồn đi về cảnh Tiên, cảnh Trời như vô nhà trọ mà nhiều kẻ chẳng bao giờ thấy được.

Vì lẽ đồng nghiệp và biệt nghiệp sinh ra hữu-vô, vô-hữu, chứ chẳng chi là hữu hình hay vô hình, thật tướng hay là vô tướng.

ĐỨC PHẬT nhìn thấy vì cái phi lý của kiến chấp mới sinh ra điên-đảo mộng tưởng nên NGÀI lặng thinh không trả lời mà chỉ dạy: “TỰ TÁNH SỬA TÁNH hằng ngày như Tứ-Diệu-Đế, Bát-Chánh-Đạo, Thập-Nhị Nhân-Duyên … Đấy là thang-thuốc hay nhất, hữu hiệu nhất để chữa lành con bệnh đang hấp-hối. ĐỨC PHẬT NGÀI đặng chúng-sanh đang chết trong cái sống, đang quằn-quại sinh-diệt trong từng sát-na mà tâm sở kiến hằng mơ tưởng những phép mầu siêu hình ảo vọng để rồi hết một kiếp người ngắn ngủi sinh-tử vẫn hoàn sinh tử. Thang thuốc của NGÀI trước sau như một: “Đưa người hoàn toàn tri-kiến giải-thoát”.

Từ thần-thông đến siêu hình ĐỨC PHẬT không trực-tiếp chỉ dạy hoặc kiến giải cho ham thích mà NGÀI gián-tiếp chỉ dạy Phật tử thể nhập các pháp thần-thông, vào ra các cảnh giới siêu-hình mà tâm chẳng hề vướng mắc, khởi chấp hoặc an-trụ pháp giới-cảnh.

Tâm PHẬT dụ như tánh sáng của gương soi, bụi bặm dụ như phiền não. Tánh sáng của gương lúc nào cũng phản chiếu muôn cảnh mà chẳng hề dính một cảnh nào. Tánh PHẬT cũng vậy, lúc nào cũng trong-sạch diệu vợi, đến đi thần-lực hóa-dụng vô-lượng vô-biên.

Vì thế, khi đề cập đến thần-thông hay siêu hình, trước sau NGÀI vẫn dạy:

- “TA chỉ dạy đệ tử ở chỗ nhàn-tịch, lặng-lẽ gẫm đạo”, nếu có công-đức hãy tự che dấu, nếu có tội-lỗi hãy tự phát lộ sám-hối”./.

Pháp Tạng Phật Giáo Việt Nam
Bút danh: Di Mai (Lê Doãn Lý, Tôn giả Pháp Mai)
(Trích Đặc-San “ÁNH VÀNG”, phát hành ngày mồng 8 tháng 4 năm Nhâm Tý 1972)

 

Đối tác & Nhà tài trợ


TẠNG BẢO HỘI THƯỢNG
  • Rừng A Đề
  • Thôn: Vạn Thuận
  • Xã: Ninh Ích
  • Thị xã: Ninh Hòa
  • Tỉnh: Khánh Hòa
  • Điện thoại: (+84) 0394 960 870
  • Email: info.ptpgvn@gmail.com
PHÁP BẢO BÌNH TRIỆU
  • Số: 56/36/6
  • Đường: Số 4, Khu phố 2
  • Phường: Hiệp Bình Chánh
  • Quận: Thủ Đức
  • Thành Phố: Hồ Chí Minh
  • Điện thoại: (+84) 0907 844 619
PHÁP BẢO THANH KHÊ
  • Số: K718/51B
  • Đường: Trần Cao Vân
  • Phường: Xuân Hà
  • Quận: Thanh Khê
  • Thành Phố: Đà Nẵng
  • Điện thoại: (+84) 0917 284 767